Luật Doanh nghiệp năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2015) đã có những quy định mới được đánh giá cao, mang nhiều tích cực và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Một trong những quy định mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014 (gọi tắt là Luật Doanh nghiệp) là Điều 13 và Điều 14 quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Hãy cùng Tư vấn Blue tìm hiểu thêm về quy định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nhé.
Khái niệm
Khái niệm người đại diện theo pháp luật được quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp: “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tại, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.
Quy định về người đại diện theo pháp luật
Luật Doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cơ phần) có từ một hoặc hai người đại diện theo pháp luật trở lên và Điều lệ công ty sẽ quy định rõ về số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (Khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp). Ngoài ra, Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định “trường hợp doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, chữ ký của những người đại diện theo pháp luật hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý như nhau”. Theo đó, đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, khi nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thì chữ ký của những người đại diện theo pháp luật đều có giá trị pháp lý như nhau.
Luật Doanh nghiệp cũng quy định doanh nghiệp phải luôn có một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam và người đại diện theo pháp luật phải ủy quyền khi xuất cảnh, chịu trách nhiệm với những nội dung đã ủy quyền (Khoản 3 Điều 13 Luật Doanh nghiệp). Cơ chế giải quyết của doanh nghiệp đối với các trường hợp người đại diện theo pháp luật chưa trở lại Việt Nam khi hết thời hạn ủy quyền; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự được quy định tại Khoản 4, 5 Điều 13 Luật Doanh nghiệp. Một điểm mới của Điều 13 Luật Doanh nghiệp là cho phép Tòa án có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tòa án trong một số trường hợp đặc biệt (Khoản 7 Điều 13 Luật Doanh nghiệp).
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm được quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật Doanh nghiệp: (1) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; (2) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; (3) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật Doanh nghiệp.
Đại diện theo pháp luật chấm dứt khi:
– Người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục
– Người được đại diện là cá nhân chết
– Người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại
– Có các căn cứ khác theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Mọi vướng mắc, xin quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.