Hiện nay, nhu cầu theo học ngoại ngữ tại thị trường Việt Nam là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư nước ngoài vào đất nước chúng ta đang tăng lên và lao động trong khối Đông Nam Á chuẩn bị được dịch chuyển tự do. Việt Nam nhận được dòng vốn khổng lồ từ nhiều nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và Nhật Bản nên nhu cầu học và sử dụng ngoại ngữ đang ngày càng trở nên đa dạng hơn. Chính vì vậy nhiều doanh nhân đã lựa chọn việc mở trung tâm ngoại ngữ làm khởi nghiệp cho mình. Để giúp quý vị nắm rõ hơn về hồ sơ thành lập trung tâm, tư vấn Blue xin được chia sẻ với quý vị các nội dung liên quan đến thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ có vốn đầu tư nước ngoài như sau.
Cơ sở pháp lý:
– Căn cứ Luật Đầu tư 2014
– Căn cứ Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Trung tâm ngoại ngữ có vốn đầu tư nước ngoài là một trong những cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, trung tâm ngoại ngữ thuộc về cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ ( căn cứ khoản 2 Điều 2 NĐ86/2018/NĐ-CP).
Nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện dưới hai hình thức:
- Thành lập cơ sở giáo dục 100% vốn nước ngoài;
- Thành lập cơ sở giáo dục liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Trước khi đi vào chính thức hoạt động, nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện và thực hiện các thủ tục sau:
1. Điều kiện
– Vốn đầu tư: Căn cứ khoản 3 Điều 35 NĐ86/2018/ NĐ-CP
– Suất đâu tư: ít nhất 20 triệu đồng/học viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất);
Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất;
Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% × 20 triệu đồng = 14 triệu đồng/học viên.
– Cơ sở vật chất, thiết bị ( Căn cứ khoản 1 Điều 36 NĐ86/2018/ NĐ-CP):
- Có phòng học phù hợp về ánh sáng, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng giảng dạy;
- Có diện tích dùng cho học tập, giảng dạy đảm bảo ở mức bình quân ít nhất là 2,5 m2/người học;
- Có văn phòng của Ban Giám đốc, lãnh đạo, phòng giáo viên, thư viện và các phòng chức năng khác;
- Có thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác đào tạo và quản lý.
– Chương trình giáo dục ( căn cứ Điều 37 NĐ86/2018/NĐ-CP):
Chương trình giáo dục thực hiện tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài phải thể hiện mục tiêu giáo dục, không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn của nước ngoài trong khuôn khổ các liên kết đào tạo với nước ngoài.
– Đội ngũ nhà giáo: (Khoản 1 Điều 38 NĐ86/2018/NĐ-CP)
Giáo viên ít nhất phải có trình độ cao đẳng hoặc tương đương, có ngành đào tạo phù hợpvới chuyên môn được phân công giảng dạy;
Tỷ lệ học viên/giáo viên quy đổi tối đa là 25 học viên/giáo viên.
2. Thủ tục
Bước 1. Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
– Hồ sơ gồm có:
Với nhà đầu tư là cá nhân: Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu;
Với nhà đầu tư là tổ chức: Bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý;
Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;
Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án có sử dụng công nghệ thuộc danh mục hạn chế chuyển giao.
-Nơi nộp hồ sơ: Sở Kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
-Thời hạn nhận kết quả Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
Đối với dự án cần quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: 30 – 45 ngày làm việc;
Đối với dự án không cần quyết định chủ trương đầu tư: 15 – 20 ngày làm việc.
Bước 2: Xin cấp phép thành lập cơ sở giáo dục
– Hồ sơ đề nghị cho phép thành lập cơ sở giáo dục bao gồm:
Văn bản đề nghị cho phép thành lập cơ sở giáo dục;
Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đầu tư;( điểm c, khoản 1, điều 9 nđ86/2018)
Đề án chi tiết thành lập cơ sở giáo dục gồm các nội dung: Tên gọi, mục tiêu, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, văn bằng và chứng chỉ sẽ cấp, dự kiến cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý và điều hành; dự kiến cụ thể kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô đào tạo trong từng giai đoạn;
Đối với trường hợp xây dựng cơ sở vật chất: Văn bản chấp thuận giao đất hoặc cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và giấy tờ pháp lý liên quan; dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (gồm phần thuyết minh và thiết kế chi tiết);
Đối với trường hợp thuê cơ sở vật chất: Thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có và giấy tờ pháp lý liên quan.
– Nơi nộp hồ sơ: Nhà đầu tư nộp 6 bộ hồ sơ cho Sở giáo dục và đào tạo.
– Thời hạn: 60 ngày làm việc.
– Kết quả: Quyết định cho phép thành lập cơ sở đào tạo ngắn hạn.
Bước 3: Xin cấp Giấy phép hoạt động giáo dục
Cơ sở giáo dục chỉ được đi vào hoạt động sau khi được cấp Giấy phép hoạt động giáo dục. Trong thời hạn tối đa là đủ 24 tháng (2 năm) kể từ ngày nhận được Quyết định cho phép thành lập cơ sở đào tạo ngắn hạn.
– Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục bao gồm:
- Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục
- Bản sao chứng thực Quyết định cho phép thành lập cùng với hồ sơ đề nghị cho phép thành lập;
- Quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục hoặc phân hiệu của cơ sở giáo dục;
- Báo cáo tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tình hình góp vốn, vay vốn, tổng số vốn đầu tư đã thực hiện;
- Báo cáo giải trình cơ sở đã đáp ứng các điều kiện;
- Tài liệu về: Danh sách Hiệu trưởng (Giám đốc), Phó Hiệu trưởng (Phó Giám đốc), trưởng các khoa, phòng, ban và kế toán trưởng, Danh sách và lý lịch cá nhân của cán bộ, giáo viên, giảng viên (cơ hữu, thỉnh giảng); Cấp học, trình độ đào tạo, ngành, nghề đào tạo; Chương trình, kế hoạch giảng dạy, tài liệu học tập, danh mục sách giáo khoa và tài liệu tham khảo chính; Đối tượng tuyển sinh, quy chế và thời gian tuyển sinh; Quy chế đào tạo; Quy mô đào tạo (học sinh, sinh viên, học viên); Các quy định về học phí và các loại phí liên quan;
Quy định về kiểm tra, đánh giá, công nhận hoàn thành chương trình môn học, mô đun, trình độ đào tạo; Mẫu văn bằng, chứng chỉ sẽ được sử dụng.
– Nộp hồ sơ tại: Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đặt trụ sở chính.
– Thẩm quyền cho phép hoạt động: Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đặt trụ sở chính.
– Kết quả: Giấy phép hoạt động giáo dục.
– Đăng bố cáo thành lập: Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy phép hoạt động giáo dục, nhà đầu tư phải thực hiện đăng bố cáo trong 05 số báo liên tiếp của ít nhất 01 tờ báo trung ương và 01 tờ báo địa phương.
Mọi thông tin liên quan đến thành lập công ty, quý vị hãy liên hệ với công ty tư vấn Blue chúng tôi để được tư vấn miễn phí.