Nhãn hiệu là những dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. nhãn hiệu có thể được coi là công cụ truyền thông được nhà sản xuất sử dụng để thu hút khách hàng, là tài sản vô giá của mỗi doanh nghiệp trên thị trường. Tư vấn Blue xin chia sẻ những điều cần biết về nhãn hiệu như sau:
Phân loại nhãn hiệu
Theo hàng hóa/ dịch vụ thì có nhãn hiệu hàng hóa và nhãn hiệu dịch vụ. Nhãn hiệu hàng hóa dùng để phân biệt hàng hóa của chủ thể với hàng hóa của chủ thể khác, được in trên sản phẩm hoặc bao bì sản phẩm. Nhãn hiệu dịch vụ dùng để phân biệt với các dịch vụ khác cùng loại.
Theo tính chất có nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết và nhãn hiệu nổi tiếng
Nhãn hiệu tập thể: Là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức,cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.( khoản 17 điều 4 Luật SHTT 2005).
Nhãn hiệu chứng nhận: Là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu. ( khoản 18 điều 4 Luật SHTT 2005).
Nhãn hiệu liên kết: Là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.
Nhãn hiệu nổi tiếng: Là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi.
Điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu
Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu được pháp luật quy định rõ tại điều 72 của Luật Sở hữu trí tuệ. Dấu hiệu được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu phải là những dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh và hình ba chiều, hoặc có sự kết hợp giữa các yếu tố trên. Đặc biệt, đó phải là những dấu hiệu có khả năng phân biệt hàng hóa và dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác. Hiện nay thì nhãn hiệu mùi và nhãn hiệu âm thanh vẫn chưa được bảo hộ tại Việt Nam do trình độ còn nhiều hạn chế.
Tại sao phải đăng ký bảo vệ nhãn hiệu?
- Ngăn chặn hàng hóa, dịch vụ tương tự gây nhầm lẫn.
- Làm cơ sở pháp lý khi xảy ra tranh chấp.
- Là cơ sở để li-xăng hoặc chuyển giao quyền.
- Làm chứng từ vay vốn hoặc làm các công việc khác.
Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu
Văn bằng bảo hộ với nhãn hiệu được gọi là “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu”.
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ, và có thể được gia hạn liên tiếp nhiều lần, mỗi lần là 10 năm.
Các yếu tố có khả năng từ chối khi đăng ký nhãn hiệu
- Không có khả năng thực hiện chức năng phân biệt của Nhãn hiệu.
- Đã thuộc quyền của người khác :
- Trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được đăng ký hoặc nộp đơn đăng ký sớm hơn, hoặc được coi là nổi tiếng hoặc được thừa nhận rộng rãi.
- Trùng hoặc tương tự với những đối tượng đã thuộc quyền của người khác, gồm tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả.
- Trùng với tên riêng, biểu tượng, hình ảnh của quốc gia, địa phương, danh nhân, tổ chức của Việt Nam và nước ngoài (trừ trường hợp được phép của các cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền).
Mỗi một nhãn hiệu dùng cho một sản phẩm,dịch vụ nhất định chỉ thuộc về một chủ thể duy nhất – là người nộp đơn đăng ký đầu tiên. Vì vậy,để tránh đầu tư công sức và chi phí vô ích, trước khi nộp đơn đăng ký, doanh nghiệp cần biết chắc nhãn hiệu mà mình muốn đăng ký chưa thuộc về người khác hoặc chưa có người nào khác nộp đơn đăng ký.
Trên đây là những điều cần biết về nhãn hiệu, mọi vấn đề vướng mắc hoặc quý vị cần thêm thông tin chi tiết, hãy liên hệ tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.